Răng khôn mọc lệch là một trong những biến chứng hay gặp nhất của răng khôn.
Đầu tiên tôi muốn cho các bạn biết tại sao người ta gọi là răng khôn: răng khôn còn gọi là răng số 8 hay răng hàm lớn thứ 3, là răng mọc trong cùng và sau cùng của hàm, nó mọc khi ta được 18-25 tuổi, trong độ tuổi khôn lớn nên người ta gọi là răng khôn
Vì sao răng khôn hay mọc lệch?
Trong quá trình tiến hóa vài triệu năm của loài người, xương hàm của con người dần nhỏ lại, và đến bây giờ nó hầu như chỉ đủ chỗ cho 28 chiếc răng, đó là 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Nên khi chiếc răng khôn mọc thì thường không đủ chỗ nên hay mọc lệch lạc.
Răng khôn mọc lệch có rất nhiều tư thế: như răng khôn mọc ngang, răng khôn mọc lệch 90 độ, răng khôn mọc lệch ra má, răng khôn mọc ngầm…
Các tư thế của răng khôn mọc lệch
Thường răng khôn hàm trên mọc lệch hay thấy răng khôn hàm trên mọc lệch ra má, nếu răng khôn hàm trên mọc lệch ra phía trước thường mọc ngầm đâm vào chẽ chân răng 7 hàm trên mà hỏng răng 7 hàm trên. Còn răng khôn hàm dưới mọc lệch thường là răng khôn hàm dước mọc lệch đâm vào răng số 7, có thể răng khôn mọc nghiêng, hoặc răng khôn hàm dưới mọc lệch 90 độ. Có những trường hợp nó mọc ngược đâm vào ống dây thần kinh hàm dưới hoặc đâm ra má hoặc mọc lệch về phía lưỡi.
Không ít người chủ quan, khi bị đau răng khôn thường cố gắng chịu đựng. Họ cho rằng cơn đau sẽ chấm dứt sau đó. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến tình trạng xấu hơn. Thậm chí bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn về răng miệng do biến chứng răng khôn mọc lệch gây ra.
Các biến chứng thường gặp nhất của răng khôn mọc lệch:
Sâu răng
Đây là tình trạng rất phổ biến. Răng khôn mọc nghiêng, chèn vào răng bên cạnh tạo khoảng trống nhét thức ăn. Ở vị trí đó việc vệ sinh răng miệng khó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng.
Hậu quả là sâu răng khôn đó và sâu luôn răng số 7, khi răng khôn mọc nghiêng thường đâm vào chân răng 7 và sâu răng số 7 thường sâu chân răng 7. Nếu điều trị tủy những trường hợp với lỗ sâu ở dưới nướu tỷ lệ thành công rất thấp và cuối cùng là mất luôn cả răng số 7. Vì vậy nếu bạn có chiếc răng khôn mọc lệch bạn nên đến nha khoa để chụp phim và nghe bác sĩ tư vấn nhé
Các bệnh về nướu và áp xe góc hàm
Nguyên nhân do thức ăn tích tụ ở các kẽ răng khôn và răng số 7 tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Hay gặp nhất là sưng đau, nhiễm trùng tại chỗ. Có thể tạo ổ mủ xung quanh răng khôn và răng số 7, tạo áp xe vùng góc hàm gây viêm tấy lan tỏa một nửa mặt, nếu nặng có thể gây nhiễm trùng huyết.
Nên nếu bạn bị sốt cao, hàm sưng khi mọc răng khôn thì nên đi khám bác sĩ nha khoa ngay.
Tình trạng u nang hoặc tiêu xương hàm
Răng khôn mọc lệch không được xử trí kịp thời có thể gây u nang xương hàm và tiêu xương hàm. Nếu tiêu nhiều quá có thể dẫn đến gãy xương hàm. Trường hợp nặng sẽ phải loại bỏ mô và xương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng.
Rối loạn phản xạ và cảm giác
Ở mặt có nhiều dây thần kinh chi phối nên khi răng khôn mọc lệch chèn ép, gây mất hoặc giảm cảm giác ở môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm. Răng khôn còn có thể gây ra hội chứng giao cảm: đau một bên mặt, phù đỏ quanh ổ mắt.
Làm xô lệch các răng ở phía trước:
Khi răng khôn mọc lệch nhất là răng khôn mọc lệch 90 độ nó như dùng góc hàm làm bàn đạp đẩy dồn các răng còn lại về phía trước, làm cho các răng ở phía trước bị xô lệch, khiến chúng thay đổi vị trí ban đầu, trở nên lệch lạc, chen chúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ của nụ cười.
Nhất là các bạn niềng răng khi có răng khôn mọc ngang dễ bị tái phát, răng dễ lệch lạc trở lại.
Vậy răng khôn mọc lệch có nên loại bỏ không?
Với rất nhiều biến chứng do răng khôn nói chung và răng khôn mọc lệch nói riêng đã gây ra vậy khi bạn mọc răng khôn hoặc thấy khó chịu về những chiếc răng khôn có nên nhổ bỏ nó không?
Trước tiên khi bạn thấy mình có một chiếc răng khôn hoặc đến tuổi mọc răng khôn nên chủ động đi thăm khám, chụp phim và nghe bác sĩ tư vấn. Nếu răng khôn của bạn có chỉ định nhổ thì nên chủ động về thời gian, về sức khỏe để đi nhổ chứ đừng để đến lức nó gây biến chứng rồi mới đi nhổ, lúc đó có thể nó đã ảnh hưởng đến răng bên cạnh hoặc xương hàm hoặc thần kinh rồi đó.
Vậy khi nào nên nhổ răng khôn và khi nào không nên nhổ răng khôn?
Với răng khôn mọc lệch nhất là răng khôn mọc lệch đã gây biến chứng thì chỉ định nhổ là 100%.
Nhưng không phải trường hợp nào cũng nhổ được răng khôn.
Có một số chống chỉ định nhổ răng khôn:
Chống chỉ định tạm thời:
+ Khi các bạn đến với tình trạng sưng đau cấp tính sẽ không nhổ được ngay, các bạn cần phải uống kháng sinh và vệ sinh răng miệng đến khi hết sưng hết viêm mới nhổ được.
+ Phụ nữ đang trong chu kỳ hoặc phụ nữ đang mang thai cũng không nhổ ngay được. Vì vậy đối với các bạn nữ trước khi muốn mang thai hãy đi kiểm tra răng khôn, nếu chiếc răng khôn của mình có chỉ định nhổ thì nên nhổ trước, vì các bạn không thể biết được chiếc răng khôn đó khi nào nó gây biến chứng.
+ Các bạn bị các bệnh như: Tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch cũng không nhổ ngay được, các bạn phải điều trị ổn định bệnh toàn thân hãy nhổ răng khôn.
+ Những bệnh nhân rối loạn tâm thần cần điều trị ổn định mới có thể nhổ được
Chống chí định tuyệt đối.
+ Bệnh nhân bị ung thư bạch cầu (dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu).
+ Bệnh nhân đã điều trị tia X vùng hàm mặt (dễ bị hoại tử xương hàm).
Trước khi đi nhổ răng khôn bạn cần lưu ý những gì? Các bạn nên chủ động về thời gian, về sức khỏe để đi nhổ, tối hôm trước các bạn nên đi ngủ sớm, sáng hôm sau các bạn nên ăn sáng no rồi đến nha khoa vì có thể sau khi nhổ răng các bạn phải kiêng ăn vài tiếng. Các bạn nên chọn một nha khoa uy tín để nhổ, một nha khoa có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và bác sĩ có kinh nghiệm về nhổ răng khôn.
Bây giờ có rất nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng để nhổ răng khôn như: Nhổ răng bằng máy Piezotome, là máy siêu âm cao tần giúp lấy răng ra khỏi huyệt ổ răng một cách nhanh chóng, an toàn và vô trùng tuyệt đối. Cùng với màng sinh học PRF đó là màng Fibrin giàu tiểu cầu và bạch cầu, màng này có tác dụng cầm máu nhanh, giảm đau rất tốt, sau khi hết thuốc tê bạn sẽ không bị đau.
Sau khi nhổ răng bạn cần chú ý lời dặn của bác sĩ về chế độ ăn, chườm lạnh, vệ sinh răng miệng sạch sẽ và nhớ uống thuốc đầy đủ theo đơn bác sĩ đã kê cho bạn
Bạn sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày.
Và cuối cùng tôi xin chúc mừng bạn đã loại bỏ nỗi ám ảnh mang tên răng khôn mọc lệch
Để được tư vấn của Bác sĩ Hải Yến Yteeth hãy đăng ký Tại đây.
Written by: Bác sĩ Hải Yến Yteeth